Thực phẩm có lợi cho người bệnh đái tháo đường

0
369

Thực phẩm có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường nên bổ sung trái cây, rau củ, cá béo, các sản phẩm từ sữa, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn.

Chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường thường được bác sĩ xây dựng và cân nhắc thận trọng để cân bằng lượng đường trong máu, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bệnh nhân có thể bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày.

1/ Trái cây và rau củ

Việc kiêng cữ carbohydrate không có nghĩa là bệnh nhân đái tháo đường sẽ phải tránh tuyệt đối trái cây. Trái cây và rau xanh cung cấp ít calo nhưng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Các loại thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bệnh nhân đái tháo đường hoạt động tốt, đồng thời làm tăng thêm hương vị và sự đa dạng cho bữa ăn. Trái cây và rau củ còn giúp bảo vệ bệnh nhân đái tháo đường khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Đây là những bệnh lý dễ phát triển khi người bệnh bị đái tháo đường.

Bệnh nhân nên lựa chọn các loại trái cây và rau củ có màu sắc khác nhau để nhận được nhiều loại vitamin và khoáng chất nhất có thể. Tuy nhiên, người bị đái đường nên hạn chế uống nước ép trái cây và sinh tố, vì chúng không có nhiều chất xơ, trái cây chín chứa nhiều đường.

Các loại rau mà người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn là bông cải xanh, cà rốt, rau lá xanh, ớt, cà chua, ngô. Trong khi đó, cam, dưa, quả mọng, táo, chuối và nho là những loại trái cây có lợi cho người bệnh đái tháo đường.

2/ Cá béo

Protein là những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Protein có nhiều trong thịt, trứng và cá. Người bệnh được khuyến nghị nên bổ sung các loại cá béo như cá thu, cá hồi và cá mòi vào chế độ ăn. Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh đái tháo đường nên hạn chế lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến vì chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, ung thư.

Protein có trong các loại cá này tạo cảm giác no lâu và giúp ổn định lượng đường trong máu. Các loại cá béo cũng rất giàu axit béo omega-3 góp phần giảm các dấu hiệu viêm nhiễm và hỗ trợ bảo vệ tim mạch.

3/ Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa, phô mai và sữa chua chứa nhiều canxi rất tốt cho xương và răng. Đây cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào có thể thay thế cho các bữa ăn nếu bệnh nhân chán ăn, khó ăn. Tuy nhiên, một số loại sữa và các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa nên người bệnh đái tháo đường cần lưu ý khi lựa chọn. Sử dụng các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo và đường là gợi ý. Lựa chọn khác có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường là các loại sữa hạt như sữa hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, yến mạch, đậu nành hoặc đậu phộng.

4/ Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc trắng đã qua tinh chế. Lượng chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giữ ổn định lượng đường trong máu.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn so với các loại ngũ cốc trắng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch đen, kiều mạch…

Các loại hạt có lợi cho người bệnh đái tháo đường
Các loại hạt có lợi cho người bệnh đái tháo đường

5/ Các loại hạt dinh dưỡng

5.1 Hạt chia

Hạt chia là một thực phẩm tốt cho bệnh tiểu đường.

Chúng chứa rất nhiều chất xơ và cực kỳ ít tinh bột đường tiêu hóa giúp hạn chế tăng đường huyết. Trong 28g hạt chia có chứa 12g lượng tinh bột, đường và chất xơ mà chất xơ đã chiếm đến 11g trong số đó. Lượng chất xơ hòa tan có trong hạt chia thực sự có thể hạ thấp nồng độ đường trong máu vì chúng làm giảm tỷ lệ thức ăn vào ruột và được tiêu hóa.

Một lý do khác khiến hạt chia trở thành một trong những loại thực phẩm dành cho người bị tiểu đường là loại hạt này giúp giảm các cơn đói cũng như làm bạn cảm thấy no hơn, có thể hỗ trợ bạn giữ được cân nặng phù hợp. Nếu bạn bổ sung thêm hạt chia vào khẩu phần thì chất xơ của hạt sẽ làm giảm lượng calo mà bạn tiêu thụ trong toàn bộ bữa ăn đó.

5.2 Hạt lanh

Món ngon cho người tiểu đường có thêm hạt lanh sẽ rất có lợi để kiểm soát đường huyết. Hạt lanh là một thực phẩm cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Một phần chất xơ không hòa tan của hạt lanh được tạo ra từ lignan (tương tự estrogen và có chất chống oxy hóa), sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.

Qua một nghiên cứu, những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 ăn hạt lanh trong vòng 12 tuần đã có những cải thiện đáng kể về hemoglobin A1c. Một nghiên cứu khác cũng cho biết: hạt lanh có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và người bệnh sẽ không còn cần dùng quá nhiều thuốc chống đông máu.

Hạt lanh còn chứa hàm lượng cao chất xơ hòa tan, cải thiện sức khỏe đường ruột, độ nhạy insulin và no lâu hơn.

Cơ thể chúng ta không thể hấp thụ hạt lanh còn nguyên hạt. Vì vậy, bạn có thể mua dạng bột hoặc tự nghiền chúng. Lưu ý là bạn nên bảo quản hạt lanh trong lọ kín và để vào tủ lạnh để hạt tránh bị ôi mùi.

5.3 Các loại quả hạch

Quả hạch là một trong những món ăn vặt tốt cho người tiểu đường. Tất cả các loại quả hạch đều chứa chất xơ và rất ít tinh bột đường tiêu hóa (một số loại sẽ chứa nhiều hơn) nên được xem là thực phẩm kiểm soát bệnh tiểu đường hữu hiệu.

Lượng tinh bột đường tiêu hóa có trong 28g mỗi loại quả hạch như sau:

  • Hạnh nhân: 2,6g
  • Hạt bào ngư (quả hạch Brazil): 1,4g
  • Hạt điều: 7,7g
  • Hạt dẻ (hạt phỉ): 2g
  • Hạt mắc ca: 1,5g
  • Hồ đào: 1,2g
  • Hồ trăn (hạt dẻ cười): 5g
  • Quả óc chó: 2g

Việc thường xuyên ăn các loại quả hạch này có thể giảm sự viêm nhiễm, hạ thấp mức đường huyết, HbA1c và LDL.

Trong một nghiên cứu, những người bị tiểu đường ăn thêm 30g quả óc chó trong khẩu phần hàng ngày đã cải thiện thể chất, giảm được cân và mức insulin trong cơ thể. Đây là một phát hiện quan trọng vì những người bị tiểu đường tuýp 2 thường sẽ có nồng độ insulin tăng cao, dễ dẫn tới béo phì.

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, mức insulin cao kinh niên còn làm tăng các nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm khác như ung thư và đãng trí.

6/ Một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn đái tháo đường

Hiện nay vẫn còn một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn đái tháo đường vẫn được nhiều người truyền tai nhau đó là:

Người bị bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn miến dong, không ăn cơm: điều này hoàn toàn không chính xác. Bởi miến dong và cơm đều là 2 loại thực phẩm thuộc nhóm cung cấp chất đường bột, trong đó chỉ số đường huyết của miến dong là 95 cao hơn gạo trắng là 83.

Bệnh nhân đái tháo đường cần dừng ăn tinh bột: đây cũng là một quan niệm không đúng. Chế độ ăn đái tháo đường không nên dừng ăn tinh bột, mà cần cân đối lượng tinh bột trong ngày để cung cấp từ 45 – 55% năng lượng cho cơ thể.

Bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn mì tôm thay cơm: điều này cũng không đúng. Vì mì tôm cũng nằm trong nhóm thực phẩm chứa nhiều bột đường. Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần giảm tiêu thụ mì tôm. Khi ăn mì tôm cần cho thêm khoảng 150g rau xanh (rau cải, giá đỗ, rau cải cúc,…) và thêm 3 con tôm hoặc 30g thịt bò để cân đối các chất dinh dưỡng và hạ chỉ số đường huyết thấp hơn so với việc chỉ ăn mì tôm không.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh, vừa đảm bảo cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, đồng thời không được làm cho đường huyết tăng cao.

HTFood (tổng hợp)

Bài viết trướcLợi ích tuyệt vời của hạnh nhân với bà bầu
Bài kếThực phẩm giúp buồng trứng chị em luôn khỏe mạnh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here